Lễ hội Từ Lương Xâm

Lịch sử thành văn khẳng định: Vào cuối năm 938, sau khi diệt trừ bè lũ phản bội Kiều Công Tiễn, ở Đại La (Hà Nội ngày nay), Ngô Quyền kéo đại quân về vùng cửa sông Bạch Đằng xây dựng thế trận đón đánh quân xâm lược Nam Hán. Ông đã triệt để lợi dụng đặc điểm địa hình phức tạp ở vùng cửa biển này để thiết lập trận địa thủy chiến quy mô lớn, đủ khả năng chôn vùi toàn bộ hàng trăm thuyền chiến giặc.

Ông huy động quân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thủy bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn phía bên trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông. Một đội thuyền nhẹ dưới sự chỉ huy của người thanh niên Gia Viên là Ngô Tất Tố, vốn giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên nhử giặc vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy của ta. Và điều diệu kỳ đã đến, đó là trận đánh diễn ra đúng như diệu kế của Ngô Quyền.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nhanh gọn, bất ngờ đến mức vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Chiến thắng Bạch Đằng gấp lại trang sử hào hùng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự gắn kết máu thịt Nhà - Làng - Nước nên rất tự nhiên Ngô Quyền trở thành thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng. Ở vùng đất này, mặc dù nhiều làng xã cũ không còn, nhiều làng mới xuất hiện, dân cư đã trải qua nhiều lần thay đổi, xáo trộn nhưng hầu như không có làng nào, xã nào, phố nào không thờ Ngô Quyền.

Hình ảnh Ngô Quyền đã trở thành gần gũi, thân thuộc với mỗi xóm thôn, làng xã, phố phường và người dân vùng đất ông lập chiến công xưa. Ở vùng đất này, mỗi làng mới được lập ra là lại thêm một làng thờ Ngô Quyền. Nhân dân nhiều làng xã vẫn còn giữ được đạo sắc của vua Tự Đức phong cho 17 xã thờ Ngô Vương vào năm 1880.

Nội dung bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm cho biết: Khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.

Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) - khu vực trụ sở UBND TP hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.

Trong trường tồn, có không ít giai đoạn, thời kỳ lịch sử, lễ hội Từ Lương Xâm (tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng) đã trở thành ý thức tình cảm cao nhất khi tâm linh người Hải Phòng hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình. Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành lời nhắc nhở, tiếng thúc giục hàng triệu con tim, khối óc từ già, trẻ, gái, trai tìm về ngưỡng vọng, nhất là mỗi khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa, đất nước lâm nguy trước giặc ngoại xâm, trời làm hạn hán, gặp bão dông biển động, nghề nông - ngư thất bát.

Khác với lễ hội của các làng xã khác, lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng.

Xưa kia, sau khi đã tiến hành nghi thức quốc lễ tại từ Lương Xâm thì đến lượt các tổng, các làng xã xung quanh tổ chức tế lễ Ngô Vương; về cấp độ, việc tế lễ Ngô Quyền do 3 cấp tiến hành: của nhà nước (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần) sau này do hàng huyện đảm nhiệm, của hàng tổng và của dân làng sở tại.

Trong lễ hội từ Lương Xâm, cuộc hành lễ của hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng.

Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.

Trong lễ hội có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng, các trò chơi dân gian: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền…