Hội Lữ hành thành phố đóng góp nâng vị thế cạnh tranh phát triển du lịch
Đoàn kết cùng phát triển
Thành phố hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp (DN) đăng ký ngành nghề hoạt động lữ hành. Các DN lữ hành của thành phố chủ yếu thuộc loại vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không đủ sức cạnh tranh được với các DN lớn có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại thành phố về giá “tua” cũng như chính sách khuyến mại, ưu đãi. Vì thế, DN của Hải Phòng chiếm thị phần nhỏ trong cơ cấu thị trường khách đến và đi. Riêng thị trường khách đi, gần 10 DN lớn chiếm hơn 80% khách lẻ, hơn 60% khách đoàn và gần 60% khách out-bound (khách thành phố và người nước ngoài sinh sống tại Hải Phòng đi du lịch nước ngoài).Theo ông Đặng Hồng Trung, Phó chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, trước thực tế này, những người làm lữ hành Hải Phòng nhận thấy, nếu không liên kết, hợp tác sâu, toàn diện sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, “sống dở chết dở”, hoặc chấp nhận làm đại lý, văn phòng đại diện cho công ty du lịch lớn kèm. Tháng 9-2016, hơn 50 người làm lữ hành ở Hải Phòng (giám đốc gần 20 DN lữ hành và các hướng dẫn viên du lịch) quyết định thành lập nhóm HGT (Hải Phòng Group Tours).
Ngay sau khi thành lập, các DN trong nhóm HGT có hoạt động hợp tác đầu là ghép khách lẻ đi Thái Lan (“tua” Băng Cốc- Pattaya) với tần suất 1 tuần 1 chuyến với khoảng 25 khách duy trì đều đặn đến nay. Sau thành công của “tua” Băng Cốc – Ma-lai-xi-a, HGT liên tiếp mở các “tua” đi Hàn Quốc, Xin-ga-po, Malaixia, Trung Quốc (Bắc Kinh), Đài Loan (Trung Quốc)… với tần suất đều đặn mỗi tuần 1 chuyến. Riêng “tua” du lịch Đài Loan (Trung Quốc), Công ty CP Thương mại và Du lịch Thiện Nguyện được Lãnh sự quán Đài Loan trao quyền ký bảo lãnh cấp visa online cho khách theo diện “Quan Hồng” (có luồng riêng không phải chứng minh tài chính)… Công ty Du lịch Quốc tế Anpha mới được thành lập cũng là một trong những DN tiên phong liên kết khai thác thị trường.
Nâng dần vị thế doanh nghiệp lữ hành thành phố
Việc liên kết mở các “tua” ghép khách lẻ đi nước ngoài thành công góp phần giúp DN lữ hành của Hải Phòng dần có được vị thế trên thị trường. Từ tháng 9-2017, Hội Lữ hành thành phố mở rộng thành phần hội viên thu hút sự tham gia của những đơn vị vận chuyển hành khách lớn như Vietnam Airlines, Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Anh Lộc Phát… Cùng với đó, hội liên lạc với Hội Lữ hành một số tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Sơn La, Lạng Sơn… liên kết, hợp tác để “trao khách, đảo chiều” theo hình thức các DN lữ hành Hải Phòng đưa khách tới các tỉnh, thành phố trên và ngược lại, các địa phương này cung ứng khách đến Hải Phòng.Những tháng cuối năm 2017, Hội Lữ hành thành phố liên tục tổ chức những chuyến famtrip (du lịch tiếp thị), khuyến khích các DN thành viên hợp tác gom khách lẻ tổ chức những “tua” đưa đón khách đều đặn hằng tuần. Hiện nhiều “tua” đi vào hoạt động ổn định như Sa-pa (Lào Cai), Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La)… Ngày 9-1-2018 Hội Lữ hành Hải Phòng chủ trì tổ chức “Gala Lữ hành Hải Phòng 2018” với sự tham gia kết nối của trên 400 đại biểu đến từ hơn 100 DN lữ hành và cung ứng dịch vụ trên phạm vi cả nước. Đây là bước chuẩn bị cho việc liên kết chào bán các sản phẩm du lịch xuân 2018.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố cho biết, thông qua liên kết, hợp tác giữa các DN lữ hành, Hội Lữ hành thành phố đặt mục tiêu chiếm 60% thị phần khách tới và 40% khách đi trong năm 2018. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, các DN lữ hành cần phối hợp toàn diện, chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động quảng bá, tuyên truyền “tua”, tuyến; kết nối với cơ sở lưu trú, dịch vụ, ăn uống, vận chuyển hành khách cũng như đơn vị quản lý điểm đến; “bắt tay” cùng liên kết xây dựng sản phẩm mới (khác biệt và đặc biệt đặc trưng của địa phương)… Thành phố cần có cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với DN du lịch, đồng bộ hoá hạ tầng giao thông kết nối các điểm đến, khu du lịch với nhau…